Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch. (tỷ lệ 1/2000)
Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh núi Nưa (gồm núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên) xã
Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá là khu di tích có giá trị nhiều phương diện.
Núi nưa gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248. Nơi đây, theo sử sách ghi lại Bà Triệu cưỡi voi đánh cồng cùng nghĩa quân luyện chí mài gươm để rồi tràn xuống tấn công thành Tư Phố, Nhất Nam và làm “toàn Châu Giao chấn động”.
Mặc dù diện mạo vùng đất này không còn dáng vẻ mình hạc của Ngàn Nưa cách đây 1760 năm nhưng với sự tôn tạo của núi Nưa cùng với các địa danh làng xóm, ruộng đồng, gò bãi, khe suối, núi đồi, rặng cây vào các địa danh liên quan giúp chúng ta phần nào về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.
Núi Nưa còn là nơi tập hợp của nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ của Tống Duy Tân và các điểm đóng quân của bộ đội ta chống Mỹ.
Núi Nưa thời Trần – Hồ còn là địa danh “Tu sơn đắc đạo”theo Kiểu Đạo Lão mà nhiều sách xưa đã chép về vị ẩn sỹ thời Hồ đã từng giấu mình nơi núi sâu, rừng thẳm để hành đạo và từ đó trở đi Am Tiêm trên đỉnh núi Nưa chính là nơi đạo Lão xuất hiện và sau đó đền đạo Phật, đạo Mẫu.
Đây cũng là một điển hình về sự hòa hợp đan xen của các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng tại một khu vực có cảnh trí đẹp và nên thơ.
Núi Nưa – một quần thể thắng cảnh nổi tiếng từ xưa đã từng là nơi thăm viếng hò hẹn của nhiều danh sỹ và tao nhã mặc khách. Vì vậy nơi đây còn lưu giữ nhiều áng văn thơ ca ngợi núi Nưa cùng các danh nhân. Núi Nưa với Am Tiêm, Đền Nưa vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sỹ.
Vùng đất kẻ Nưa là quê hương của kho tàng văn học dân gian rất phong phú với nhiều truyền thuyết về ông Nưa tạo ra sông, núi, vé bà Triệu, vẽ ẩn sỹ thời Hồ, vẽ các loại hình múa hát dân gian độc đáo……..
Không những thế, nơi đây còn được coi là vùng đất thiêng, khí hậu trong lành hấp dẫn du khách.
Chính vì vậy ngày nay du khách đều thăm viếng ngàn Nưa ngày một đông.
Núi Nưa xưa kia là vùng rừng đại ngàn với rất nhiều loại động thực vật quý. Nhưng do sự khai thác của con người rừng đã trở nên cạn kiệt, thực vật phần lớn là cây tái sinh(chủ yếu là nứa, vấu….) Chương trình trồng cây gây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc; huyện xã đã trồng nhiều loại cây như: lim, lát, xà cừ, bạch đàn,…..Đến nay màu xanh của ngàn Nưa đang hồi sinh.
Các công trình kiến trúc mới xây dựng trên đỉnh Am Tiêm như: chùa Am Tiên, đền, giếng tiên, động Đào – ao Hóp đều sơ sài, chắp vá, thiếu thẩm mỹ.
Dưới chân núi Đền Nưa chỉ còn Nghinh môn nhưng do làm đường nên đã bị đất lấp mất 1,5m phía chân nghinh môn. Các công trình do xã huyện phục dựng cũng chưa thật xứng tầm với một di tích quốc gia.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước và Tỉnh Thanh Hoá, khu di tích đã được cấp bằng công nhận di tích lịch sử danh lam thắng cảnh quốc gia. Khách hành hương đến Am Tiên ngày một đông; ngày lễ hội có tới hàng vạn người tham gia. Nhưng đến nay di tích còn lại chỉ là thắng cảnh núi Nưa, các công trình kiến trúc xây dựng xưa đã không còn nữa.
Tuy có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch văn hóa lễ hội truyền thống và tâm linh nhưng hàng năm chỉ có vào ngày lễ hội chính mới có đông đảo người tham gia và trong thời gian rất ngắn; nội dung lại chưa hấp dẫn chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân và du khách. Đặc biệt, khu di tích Am Tiên chưa có nơi tổ chức lễ hội, việc xây dựng chưa có quản lý chặt chẽ nên nhiều khu vực nhân dân xây dựng tự phát làm xấu cảnh quan môi trường. Vì vậy việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích – Lịch sử – Danh lam Am Tiên là rất cần thiết.