Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích núi Văn – núi Võ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Di tích lịch sử Núi Văn – Núi Võ và các di tích nằm trong địa bàn các xã Văn Yên, Ký Phú, thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, nơi đây có cảnh đẹp và là nơi có nhiều dấu tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Nhân Chú – Một danh tướng có công cùng với Lê Lợi đánh thắng giặc Minh đầu thế kỷ XV (1428) giành lại độc lập cho đất nước.
Trước đây, để tưởng nhớ công lao của Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhân dân đã dựng đền thờ tại chân núi Văn thuộc xã Ký Phú. Phía đông núi Võ xã Văn Yên cũng có một đền nhỏ nằm trong vách đá thờ nơi ông đã sinh ra. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, phá hoại của thời gian các dấu tích xưa bị mai một. Đền nhỏ dưới chân núi Võ xuống cấp, hang đá tương truyền thông từ Núi Văn sang núi Võ mà xưa kia Lưu Nhân Chú cùng các nghĩa sĩ thường hội họp, luận bàn việc quân cơ bị đánh sập bởi việc khai thác đá. Nhà dân xây nhiều quanh hồ tắm ngựa và quanh núi Văn, núi Võ, núi Xem làm mất cảnh quan vốn có.
Những năm gần đây UBND huyện Đại Từ đã cho xây dựng ngôi đền thờ tại núi Văn. Xã Văn Yên cho tu sửa ngôi đền thờ nhỏ bên vách đá núi Võ và đặc biệt ngày 09/02/1981 Bộ Văn hoá và thông tin đã có quyết định số 10/VHTT/QĐ công nhận di tích Núi Văn – Núi Võ là di tích quốc gia.
Năm 2010, Bộ văn hoá thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã cho xây dựng đền thờ Lưu Nhân Chú ngay phía trước đền thờ cũ với kinh phí trên 12 tỷ đồng tạo nên một khu thờ phụng đẹp, khang trang. Đầu năm 2015, dòng tộc họ Lưu đã tiến cúng pho tượng Lưu Nhân Chú bằng đồng vào đền với kinh phí trên 500 triệu đồng.
Hằng năm vào ngày 04 tháng giêng nhân dân lại tổ chức lễ hội Núi Văn – Núi Võ. Người dự lễ hội ngày một đông có năm tới vài vạn người. Nhưng do có sở hạ tầng chưa tốt, thiết chế phục vụ, tổ chức lễ hội còn đơn sơ nên kết quả chưa được như mong muốn làm cho nhân dân địa phương, du khách và đặc biệt những người trong dòng tộc họ Lưu chưa thật hài lòng.
Để bảo vệ, giữ gìn di tích núi Văn – núi Võ và phát huy các giá trị của khu di tích cần có những định hướng về mặt tổng thể nhằm khai thác các giá trị lịch sử, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, hướng tới đầu tư xây dựng một khu du lịch tâm linh xứng tầm với các giá trị, tiềm năng hiện có. Do đó, việc lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Núi Văn – Núi Võ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết nhằm kết nối hệ thống đền, miếu, di tích trở thành một quần thể; xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường; liên kết di tích núi Văn núi Võ với các điểm du lịch trong huyện, tỉnh mà trọng điểm là Khu du lịch hồ núi Cốc; đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt đời sống tinh thần của người dân địa phương, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên.